Ngày đăng: 26/01/2015 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp các tình huống kế toán | Lượt xem: 1905


     

Năm 2014 đã qua đi lại bước sang một năm mới. Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp thường hay có các khoản quà biếu, tặng cho các đối tác. Vậy, với các bạn là kế toán bạn sẽ hạch toán thế nào cho các khoản quà biếu, tặng này và thường có 5 câu hỏi mà các bạn hay thắc mắc xung quanh vấn đề này:

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dùng để biếu, tặng có được khấu trừ thuế GTGT ?

2. Có phải ghi nhận giá tính thuế GTGTđối với hàng hóa dùng để biếu, tặng ?

3. Khi đi biếu, tặng cho khách hàng, có cần phải xuất hóa đơn ?

4. Có được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN ?

5. Có phải ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng ?

  Sau đây, K Ế TOÁN HÀ NỘI với kinh nghiệm lâu năm trong nghề đào tạo cũng như cung cấp dịch vụ sẽ giúp bạn trả lời 5 câu hỏi trên:

Thứ nhất: Đối với thuế GTGT đầu vào của hàng dùng để biếu, tặng

     Tại khoản 5 điều 14 của thông tư 219/2013/TT-BTC quy định: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá (kể cả hàng hoá mua ngoài hoặc hàng hoá do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ.”

==> Theo đó, hàng hóa dùng để biếu, tặng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Thứ hai: Ghi nhận giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng:

   Tại khoản 3 điều 7 của thông tư 219/2013/TT-BTC quy định: “Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

==> Theo đó, hàng hóa dùng để biếu, tặng sẽ phải ghi nhận giá tính thuế theo giá của hàng hóa cùng loại hoặc tương đương trên thị trường tại thời điểm phát sinh.

Thứ ba: Có cần phải xuất hóa đơn khi đi biếu, tặng

   Tại điểm b khoản 1 điều 16 của thông tư 39/2014/TT-BTC quy định: “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

==> Theo đó, hàng hóa dùng để biếu, tặng sẽ phải lập hóa đơn.

Thứ tư: Có được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN đối với hàng hóa khi đi biếu, tặng

   Tại điểm 2.21 khoản 2 điều 6 của thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi quyết toán thuế TNDN: “Phần chi vượt quá 15% tổng số chi được trừ, bao gồm: chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí; chi cho, biếu, tặng hàng hoá, dịch vụ cho khách hàng.

==> Theo đó, hàng hóa dùng để biếu, tặng sẽ được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN, nhưng bị khống chế ở mức 15% tổng chi phí được trừ.

Thứ năm: Có phải ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng hóa đi biếu, tặng:

   Tại điều 5 của thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về doanh thu để tính thu nhập chịu thuế: Không quy định doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng hóa đi biếu, tặng (Thông tư 123/2012/TT-BTC có quy định)

==> Theo đó, hàng hóa dùng để biếu, tặng sẽ không phải ghi nhận doanh thu để tính thuế TNDN.

KẾT LUẬN:

1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dùng để biếu, tặng phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT.

2. Phải ghi nhận giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng theo giá của hàng hóa cùng loại hoặc tương đương trên thị trường.

3. Khi đi biếu, tặng cho khách hàng, phải xuất hóa đơn đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng.

4. Được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN nhưng bị khống chế 15% tổng chi phí được trừ đối với hàng hóa đi biếu, tặng.

5. Không phải ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng.

Ví dụ giúp bạn hiểu rõ hơn về hạch toán kế toán cũng như kê khai, quyết toán thuế đối với hàng biếu, tặng

   Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dùng để biếu, tặng được khấu trừ, thuế GTGT đầu ra của hàng hóa dùng để biếu, tặng phải ghi nhận Số thuế đầu vào bằng với số thuế đầu ra Doanh nghiệp không phải nộp thuế, cũng không được khấu trừ thuế trong trường hợp này (Đầu ra và đầu vào bù trừ hết với nhau).

   Khi đi biếu tặng hàng hóa, theo chế độ kế toán thì ghi nhận doanh thu, và hạch toán vào tài khoản 512: Doanh thu bán hàng nội bộ. Nhưng theo hướng dẫn tại điều 5 của Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về doanh thu, đối với hàng hóa dùng để biếu, tặng sẽ không phải ghi nhận doanh thu để tính thuế TNDN Có sự khác biệt giữa GHI NHẬN DOANH THU của kế toán và GHI NHẬN DOANH THU tính thuế TNDN Đây chính là Sự khác biệt giữa kế toán và thuế.

       KẾ TOÁN HÀ NỘI có đặt in lịch tết đi biếu, tặng cho khách hàng với giá mua là 30 triệu, thuế VAT 3 triệu

        Theo hướng dẫn tại chế độ kế toán, kế toán hạch toán như sau:

           + Khi mua:

                   Nợ TK 156: 30 triệu

                   Nợ TK 133: 3 triệu

                        Có TK 331: 33 triệu

           + Khi đi biếu, tặng

                   Nợ TK 632: 30 triệu

                        Có TK 156: 30 triệu

                   Nợ TK 642: 33 triệu

                        Có TK 512: 30 triệu

                        Có TK 3331: 3 triệu

        Vậy:

           + Theo chế độ kế toán: Ghi nhận doanh thu tiêu dung nội bộ: 30 triệu

           + Theo chính sách thuế: Không phải quy đổi để tính vào Thu nhập chịu thuế TNDN

==> Xử lý như thế nào khi quyết toán thuế TNDN?

– Tại tờ khai quyết toán thuế TNDN, xử lý như sau:

    Doanh thu 30 triệu không phải quy đổi tính vào doanh thu tính thuế TNDN điền vào Chỉ tiêu [B11] – Các khoản điều chỉnh làm giảm lợi nhuận trước thuế khác: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền của các khoản điều chỉnh khác ngoài các khoản điều chỉnh đã nêu tại các chỉ tiêu từ [B8] đến [B10] của Tờ khai tự quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp dẫn đến giảm lợi nhuận chịu thuế.

  Đồng thời, điều chỉnh giá vốn tương ứng của doanh thu nội bộ 30 triệu vào Chỉ tiêu [B6] – Các khoản điều chỉnh làm tăng lợi nhuận trước thuế khác: Chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền của các điều chỉnh khác (chưa được điều chỉnh tại các chỉ tiêu từ [B2] đến [B5]).