Ngày đăng: 12/08/2014 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 1607


     

DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT VỀ CÁC XỬ PHẠT

 VI PHẠM HÀNH CHÍNH THUẾ.

  Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài Chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính thuế.

 

1. Các hành vi phạm hành chính về thuế của Người nộp thuế bao gồm:

1.1. Hành vi vi phạm quy định về thủ tục thuế:

  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế
  • Chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế
  • Hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong Hồ sơ khai thuế
  • Hành vi chậm nộp Hồ sơ khai thuế
  • Hành vi vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế
  • Hành vi vi phạm trong việc chấp hành Quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành Quyết định hành chính thuế.

1.2. Hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn.

1.3. Hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

  • Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế: 02 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện (ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện thủ tục về thuế theo quy định) đến ngày ra quyết định xử phạt (Nghị định cũ quy định là ngày lập biên bản).
  • Đối với hành vi khai sai; hành vi trốn thuế: 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm (ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế) đến ngày ra quyết định xử phạt (Nghị định cũ quy định là ngày lập biên bản).
  • Đối với trường hợp hồ sơ do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế: áp dụng thời hiệu theo quy định đối với từng loại hành vi tương ứng và thời gian cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu Vi phạm xử phạt hành chính (Nghị định cũ quy định: thời hiệu xử lý vi phạm là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ án đến ngày ra quyết định xử lý).

3. Không ra quyết đinh xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong các trường hợp sau:

  • Trường hợp khai sai, Người nộp thuế đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và đã nộp đủ số tiền thuế phải nộp, trước thời điểm cơ quan thuế công bố Quyết định thanh – kiểm tra thuế tại trụ sở Người nộp thuế hoặc trước thời điểm Cơ quan thuế phát hiện nhưng không qua thanh – kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (ví dụ: kiểm tra tại bàn phát hiện,…) hoặc trước thời điểm Cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện.
  • Không xác định được đối tượng Vi phạm hành chính về thuế.

4. Tiền chậm nộp

  • Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh từ ngày 01/07/2013 thì tiền chậm được tính như sau:

           – 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày hế thời hạn nộp thuế đến ngày thứ 90 (chín mươi);

         – 0,07% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp kể từ ngày chậm nộp thứ 91 (chín mươi mốt) trở đi.

  • Đối với khoản tiền thuế nợ phát sinh trước ngày 01/07/2013 nhưng sau ngày 01/07/2013 vẫn chưa nộp thì tính như sau: trước ngày 01/ 07/ 2013 tính phạt chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế, từ ngày 01/07/2013 tính tiền chậm nộp theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế.

4.1. Các trường hợp phải nộp chậm tiền thuế:

a. Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn qui định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trên thông báo của Cơ quan thuế, ghi trong Quyết định xử lý.

b. Người nộp thuế nộp thiếu tiền thuế do khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp tự phát hiện và khai bổ sung hoặc do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện.

c. Cơ Quan thu tiền thuế của Người nộp thuế nhưng không chuyển vào Ngân sách nhà nước theo qui định.

4.2. Các trường hợp điều chỉnh giảm tiền chậm nộp:

a. Người nộp thuế phát sinh thuế GTGT phải nộp vãng lai nhưng chưa nộp đúng thời hạn thì chỉ tính tiền chậm nộp khi khai tổng hợp tại trụ sở.

b. Tiền nợ do sai sót được Cơ quan thuế xác nhận bằng biên bản và đang được Cơ quan thuế điều chỉnh thì không tính tiền chậm nộp.

c. Người nộp thuế đã nộp lớn hơn số thuế theo Kết quả giải quyết khiếu nại, khiếu kiện.

d. Người nộp thuế được gia hạn nhưng Cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp.

5. Nguyên tắc áp dụngVăn bản quy phạm pháp luật

5.1. Nguyên tắc thời gian: Văn bản Quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực; được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực; trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

  • Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
  • Luật chuyên ngành: Các nội dung về thanh tra thuế quy định tại Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 khác với quy định tại Luật thanh tra thì thực hiện theo qui định tại Luật thanh tra.

5.2. Nguyên tắc áp dụng Văn bản quy phạm pháp luật cao hơn: trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.

5.3. Nguyên tắc áp dụng Văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau: Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

6. Khai bổ sung

  • Nếu Cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, Quyết định xử phạt về thuế thì Người nộp thuế vẫn được khai bổ sung, điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

          + Người nộp thuế phát hiện Hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã thanh – kiểm tra; hoặc liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã thanh – kiểm tra thì được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.

           + Người nộp thuế phát hiện Hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã thanh – kiểm tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp Cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền thanh – kiểm tra phát hiện.

  • Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).

​(Tham khảo Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài Chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính thuế)