Ngày đăng: 04/11/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp thuế giá trị gia tăng | Lượt xem: 2261


     

GIẢI ĐÁP TÌNH HUỐNG THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG (PHẦN 2)

    Sắc thuế giá trị gia tăng là loại sắc thuế có nhiều thay đổi trong năm 2014 cũng gây nhiều khó khăn cho các kế toán phải trong việc cập nhật thông tin mới nhất về thuế cũng như áp dụng những thay đổi này phù hợp với doanh nghiệp mình. Và dưới đây là các tình huống thuế giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp mắc phải trong năm tính thuế 2014, Kế Toán Hà Nội tập hợp lại như sau:

>> Giải đáp tình huống thuế giá trị gia tăng (Phần 1)

Câu hỏi 6:

    Vướng mắc của Công ty CP thiết bị vật tư y tế Nghệ An: Cục Thuế Nghệ An áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% mặt hàng giường, tủ, xe đẩy bằng inox sử dụng trong các bệnh viện và truy thu thuế từ năm 2009 đến hết năm 2013 (theo CV số 3745/TCT-CS ngày 27/9/2010). Trong khi Công ty mua mặt hàng này tại Hà Nội thì thuế suất 5%. Đề nghị  xem xét hướng dẫn để thực hiện thống nhất. 
Trả lời:

   Tại khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về thuế suất 5% như sau: 

    “11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

   Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; vật tư hoá chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao  tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm).”

   Tại Điều 11 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về thuế suất 10%.

   Công văn số 3745/TCT-CS ngày 27/09/2010 trả lời Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa, Công ty TNHH và thiết bị y tế Đê vi về thuế suất thuế GTGT đối với mặt hàng đồ nội thất ngành y tế, như sau: 
“Căn cứ Biếu thuế suất thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 131/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo danh mục hàng hóa của Biếu thuế nhập khẩu ưu đãi, giường bệnh nhân inox; tủ đựng thuốc và dụng cụ inox; tủ đầu giường bệnh nhân inox, tủ đựng thuốc và dụng cụ inox, bàn inox đẩy tiêm hai tầng kèm xô đựng chất thải, bàn inox để dụng cụ, xe đẩy hàng inox, ghế xoay inox, xe đẩy máy điện tim thuộc nhóm 9402 áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

  Căn cứ các hướng dẫn trên thì các mặt hàng: giường bệnh nhân inox, tủ đầu giường bệnh nhân inox, tủ đựng thuốc và dụng cụ inox, bàn inox đẩy tiêm hai tầng kèm xô đựng chất thải, bàn inox để dụng cụ, xe đẩy hàng inox, xe đẩy máy điện tim, ghế xoay inox thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%”.

  Căn cứ quy định trên, tại khoản 11 Điều 10 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 đã quy định rõ thuế suất thuế GTGT 5% áp dụng đối với các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

  Công văn số 3745/TCT-CS ngày 27/09/2010 nêu trên trả lời các mặt hàng như giường bệnh nhân inox, tủ đầu giường bệnh nhân inox, tủ đựng thuốc và dụng cụ inox, bàn inox đẩy tiêm hai tầng kèm xô đựng chất thải, bàn inox để dụng cụ, xe đẩy hàng inox, xe đẩy máy điện tim, ghế xoay inox thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% là đúng quy định. 

   Đề nghị Công ty CP thiết bị vật tư y tế Nghệ An nêu rõ cụ thể Công ty mua loại thiết bị, dụng cụ y tế nào để áp dụng thuế suất thuế GTGT cho đúng quy định.

Câu hỏi 7:

  Vướng mắc của Công ty TNHH KPC hỏi về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế đối với mặt hàng cao lanh xuất khẩu (Công văn số 1150/CT-THDT ngày 25/8/2014 của Cục Thuế tỉnh Phú Thọ)  

Trả lời:

   Về nội dung công văn số 1150/CT-THDT ngày 29/04/2014 của Cục Thuế tỉnh Phú Thọ, công văn số 154/CV-2014 ngày 15/04/2014 của Công ty TNHH KPC, Tổng cục Thuế đã có công văn trả lời số 4104/TCT-CS ngày 23/09/2014 về thuế GTGT đối với bột cao lanh xuất khẩu, như sau: “sản phẩm bột cao lanh của Công ty TNHH KPC đã qua chế biến đảm bảo tiêu chuẩn và điều kiện xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BXD ngày 20/09/2012 của Bộ Xây dựng nhưng chưa được xác định là khoáng sản đã chế  biến thành sản phẩm khác, do đó thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu”

Câu hỏi 8:

   Bệnh viện Đà Nẵng hỏi về việc lập hoá đơn đối với hàng hoá (máy đo loãng xương) được thanh toán bởi một phần kinh phí từ tổ chức Quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại và một phần từ nguồn kinh phí đối ứng của Bệnh viện?

 Trả lời: 

    Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4676/TCT-CS ngày 23/10/2014 trả lời với nội dung như sau:
Tại điểm e) khoản 19 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT- BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về thuế GTGT quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT như sau:

“e) Hàng hoá, dịch vụ bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam…

    Khi bán hàng, cơ sở kinh doanh phải lập hoá đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ là hàng bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không tính thuế GTGT và lưu giữ văn bản của tổ chức quốc tế hoặc của cơ quan đại diện của Việt Nam để làm căn cứ kê khai thuế. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế mua hàng hoá, dịch vụ tại Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo có thuế GTGT thì thuộc trường hợp hoàn thuế theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 18 Thông tư này”. 

    Tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ quy định về nguyên tắc lập hóa đơn như sau:

“1. Nguyên tắc lập hoá đơn

a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) …Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh;…

c) Hoá đơn được lập một lần thành nhiều liên. Nội dung lập trên hóa đơn phải được thống nhất trên các liên hóa đơn có cùng một số”.

Tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên quy định về việc sử dụng hoá đơn của người mua hàng như sau:

“Điều 25. Sử dụng hoá đơn của người mua hàng

1. Người mua được sử dụng hóa đơn hợp pháp theo quy định pháp luật để chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ; hưởng chế độ khuyến mãi, chế độ hậu mãi, xổ số hoặc được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được dùng để hạch toán kế toán hoạt động mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về kế toán; kê khai các loại thuế; đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu và để kê khai thanh toán vốn ngân sách nhà nước theo các quy định của pháp luật”.

    Ngày 25/4/2014, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 2677/QĐ-UBND về việc phê duyệt tiếp nhận thiết bị y tế cho Bệnh viện Đà Nẵng do Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ. Theo đó, Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ số tiền 55.256 USD và Bệnh viện Đà Nẵng chi trả số tiền 14.062 USD để mua 01 máy đo loãng xương toàn thân trị giá 69.318 USD.

   Theo nội dung hợp đồng số 01/ONCOLOGY/DNH/3P ký ngày 21/4/2014 thì Tổ chức EMW là bên A1 và Bệnh viện Đà Nẵng là bên A2 ký hợp đồng với Công ty TNHH Thiết bị và dụng cụ Y khoa 3P (bên bán) về việc mua máy đo độ loãng xương.

    Căn cứ các nội dung nêu trên thì hàng hoá, dịch vụ bán cho Tổ chức Đông Tây hội ngộ để viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. 

   Trường hợp Tổ chức Tổ chức Đông Tây hội ngộ và Bệnh viện Đà Nẵng cùng đứng tên trong hợp đồng số 01/ONCOLOGY/DNH/3P ngày 21/4/2014 ký với Công ty TNHH Thiết bị và dụng cụ Y khoa 3P để mua máy đo loãng xương và cùng thanh toán thì Công ty TNHH Thiết bị và dụng cụ Y khoa 3P khi cung cấp hàng hóa phải lập hóa đơn GTGT cho cả Tổ chức Đông Tây hội ngộ và Bệnh viện Đà Nẵng tương ứng với phần giá trị thanh toán của Tổ chức Đông Tây hội ngộ và Bệnh viện Đà Nẵng được ghi trong hợp đồng, cụ thể:

– Đối với hóa đơn GTGT giao cho Tổ chức Đông Tây hội ngộ thì Công ty TNHH Thiết bị và dụng cụ Y khoa 3P ghi rõ là hàng bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo không tính thuế GTGT và lưu giữ văn bản của Tổ chức Đông Tây hội ngộ để làm căn cứ kê khai thuế. Số tiền ghi trên hóa đơn là số tiền Tổ chức Đông Tây hội ngộ tài trợ theo hợp đồng.

– Đối với hóa đơn GTGT giao cho Bệnh viện Đà Nẵng, Công ty TNHH Thiết bị và dụng cụ Y khoa 3P thực hiện lập hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên với mức thuế suất GTGT theo quy định. Số tiền ghi trên hóa đơn là số tiền do Bệnh viện Đà Nẵng chi trả.

Câu hỏi 9:

  Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam hỏi: Trong tháng 04/2013-12/2013 Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam có nhận thầu xây dựng, lắp đặt dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương II tại tỉnh Quảng Ninh. Quá trình thực hiện dự án đơn vị có xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, nhân viên người Việt Nam và người Hàn Quốc để thực hiện dự án. Toàn bộ thuế GTGT đầu vào mua hàng hóa, dịch vụ để xây dựng khu nhà ở đơn vị đã kê khai khấu trừ, hoàn thuế. Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi thực hiện kiểm tra sau hoàn, phát hiện một số nội dung vướng mắc liên quan đến việc xây dựng khu nhà cho công, nhân viên thực hiện dự án Nhiệt điện Mông Dương được xây dựng ở ngoài khu thực hiện dự án và có được coi là lán trại trong xây dựng không? Dự án xây dựng khu nhà cho công nhân viên này lại đứng tên đơn vị khác, nhưng mọi hoạt động thuê nhà thầu và khấu trừ thuế GTGT đầu vào đều do Công ty Doosan thực hiện.

  Ý kiến của Cục Thuế Quảng Ngãi: khu nhà Công ty Doosan xây dựng nằm ngoài khu dự án Mông Dương II và không phải là lán trại trong xây dựng, nên không đủ điều kiện khấu trừ. (Công văn số 949/CT-KTrT2 ngày 28/5/2014 của Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi).

Trả lời:

     Do chưa có quy định cụ thể liên quan đến khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với việc xây dựng nhà ở cho công, nhân viên, không nằm trong khu xây dựng có được coi như lán trại trong xây dựng hay không? Và những sai phạm trong xây dựng có ảnh hưởng đến điều kiện khấu trừ thuế GTGT hay không? 
    Sau khi nhận được vướng mắc, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi báo cáo cụ thể nội dung vướng mắc, đề xuất phương án xử lý.
     Ngày 10/9/2014 Tổng cục Thuế đã tổng hợp nội dung vướng mắc, dự thảo tờ trình Bộ, lấy ý kiến Vụ Pháp chế – BTC. 
     Ngày 26/9/2014 Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ về các nội dung vướng mắc liên quan đến Tập đoàn Doosan trong đó có vướng mắc của Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam và có đề xuất phương án xử lý theo hướng chấp nhận khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với những phát sinh của hoạt động xây dựng nhà ở cho người lao động, nếu các hoá đơn đầu vào đáp ứng đủ các điều kiện khấu trừ thuế GTGT theo quy định. Giao Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, xác định chính xác các chi phí thực tế liên quan đến việc xây dựng nhà cho người lao động khi thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Mông Dương để xác định số thuế đủ điều kiện khấu trừ theo quy định.

    Ngày 01/10/2014 Vụ Pháp chế – BTC có ý kiến cơ bản thống nhất với Tổng cục Thuế về vấn đề những sai phạm trong xây dựng sẽ bị xử lý theo pháp luật về xây dựng; đối với điều kiện khấu trừ thuế GTGT thì thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.

    Ngày 09/10/2014 đại diện Bộ Tài chính (thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn) và đại diện Tổng cục Thuế đã có buổi làm việc với đại diện Tập đoàn Doosan để có phương án xử lý đối với vướng mắc này. Tại buổi làm việc Lãnh đạo Bộ Tài chính ghi nhận vướng mắc của đơn vị và giao Tổng cục Thuế làm rõ các nội dung còn vướng mắc, nghiên cứu cơ sở pháp lý, bản chất kinh tế để báo cáo Bộ có phương án trả lời cụ thể. Ngày 10/10/2014 Tổng cục Thuế đã có văn bản số 4420/TCT-KK yêu cầu Công ty Doosan bổ sung một số nội dung liên quan, trước khi báo cáo Bộ trả lời chính thức cho doanh nghiệp.

Câu hỏi 10:

   Công ty TNHH Procter and Gmable Việt Nam có vướng mắc sau:

   Đối với việc hoàn thuế GTGT cho hoạt động xuất khẩu, Công ty đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại phương pháp phân bổ số thuế GTGT được hoàn, đề nghị áp dụng PP phân bổ số thuế GTGT đầu vào theo doanh thu bán hàng như đã thực hiện tại các Thông tư trước đây. Ví dụ như trường hợp Công ty chúng tôi có 60% doanh thu XK thì theo PP phân bổ hiện nay (phân bổ số thuế GTGT còn được khấu trừ theo doanh thu) sẽ luôn luôn phải có 40% số thuế GTGT còn được khấu trừ chưa được hoàn. Như vậy theo chúng tôi khá là bất hợp lý vì về lý thuyết, Công ty sẽ không phát sinh thuế GTGT còn được khấu trừ cho hoạt động KD nội địa.    

Trả lời:  

   Theo quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng, Nghị định số 209/2013/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế GTGT thì đối với cơ sở kinh doanh có 3 trường hợp hoàn thuế: hoàn thuế trong trường hợp có số thuế đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra; hoàn thuế đối với đầu tư và hoàn thuế đối với xuất khẩu. 

– Hoàn thuế trong trường hợp có số thuế đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra: Trường hợp sau 4 quý hoặc 12 tháng liên tục CSKD có số thuế GTGT đầu vào lớn hơn số thuế GTGT đầu ra thì được hoàn thuế. 

– Hoàn thuế đối với đầu tư: Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đang trong giai đoạn đầu tư nếu có số thuế GTGT lũy kế của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT.

– Hoàn thuế đối với xuất khẩu: Cơ sở kinh doanh có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng. 

    Do có một số cơ sở kinh doanh vừa xuất khẩu vừa có bán nội địa nên để đảm bảo việc xác định số thuế GTGT được hoàn của hàng xuất khẩu phù hợp tại Thông tư 219 của Bộ Tài chính có quy định hướng dẫn phân bố số thuế GTGT đầu vào theo Doanh thu xuất khẩu/ Tổng Doanh thu (bao gồm cả doanh thu bán nội địa) và loại trừ số thuế GTGT của hàng tồn kho – đây là hàng chưa xuất khẩu – khi xác định số thuế được hoàn.        

    Cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai khấu trừ thuế của hàng tồn kho nhưng chưa được hoàn theo diện xuất khẩu. 
Việc loại trừ hàng hóa tồn kho khi xác định số thuế GTGT được hoàn thuế của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chỉ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thương mại (mua hàng hóa để xuất khẩu) không áp dụng đối với cơ sở kinh doanh có hoạt động sản xuất để xuất khẩu. 

   Tổng cục Thuế ghi nhận ý kiến của Công ty đế nghiên cứu khi sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế GTGT.