Ngày đăng: 29/01/2015 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp thuế giá trị gia tăng | Lượt xem: 2064


     

GIẢI ĐÁP TÌNH HUỐNG VỀ THUẾ GTGT

Tình huống 1

   Theo khoản 2 điều 3 và các ví dụ tại khoản 1 điều 6 Thông tư 119/2014/TT-BTC thì hàng hóa, dịch vụ luân chuyển và tiêu dùng nội bộ không phải tính, nộp thuế GTGT và không tính vào doanh thu chịu thuế TNDN.Như vậy, doanh nghiệp chỉ hạch toán chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT để kê khai thuế. Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 5 của Thông tư này thì doanh nghiệp phải lập hóa đơn trong trường hợp tiêu dùng nội bộ. Tôi thấy các điều khoản này mâu thuẫn với nhau. Ban Biên tập cho tôi hỏi: với ví dụ 24 tại khoản 2 điều 3 thì doanh nghiệp có phải xuất hóa đơn GTGT không. Trong trường hợp phải xuất theo khoản 3 điều 5 (tiêu dùng nội bộ) thì giá xuất và thuế GTGT sẽ ghi như thế nào?

Xem thêm:

>> Hoàn thuế GTGT

>> Sự khác nhau giữa không phải tính thuế, chịu thuế 0% và không chịu thuế GTGT

Trả lời:

   Căn cứ Khoản 4 Điều 7 Mục 1 Chương II Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, quy định:

“4. Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.

    Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng cho tiêu dùng phục vụ hoạt động kinh doanh (tiêu dùng nội bộ), là giá tính thuế GTGT của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh việc tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ đối với hoá đơn GTGT xuất tiêu dùng nội bộ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT.

    Hàng hoá luân chuyển nội bộ như xuất hàng hoá để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh không phải tính, nộp thuế GTGT…”

    Căn cứ Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011,­­ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế:

+ Tại Điểm a Khoản 3 Điều 5 quy định về sửa đổi, bổ sung hướng dẫn tại điểm b, c khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính:

“b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có)…”

+ Tại Khoản 2 Điều 3 quy định về sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính:

“4. Giá tính thuế đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ.

Hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hoá được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT…”

+ Tại Khoản 1 Điều 7 quy định về hiệu lực thi hành:

“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2014…”

Căn cứ các quy định trên, việc lập hóa đơn, xác định thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ được thực hiện như sau:

– Về hóa đơn:

Đơn vị phải lập hóa đơn đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

– Về thuế GTGT:

+ Trước ngày 01/9/2014: Đơn vị phải tính và nộp thuế GTGT đối với hàng hóa tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ như xuất hàng hóa để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh).

+ Từ ngày 01/9/2014: Đơn vị không phải tính và kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng hóa luân chuyển nội bộ như hàng hóa được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hóa, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh.

– Đối với Ví dụ 24 tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT – BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính: khi xuất 50 sản phẩm quạt điện lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị A thì đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT nhưng phải lập hóa đơn GTGT theo quy định, trên hóa đơn ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất, thuế GTGT không ghi, gạch chéo.

Tình huống 2:

   Xin thắc mắc về Thông tư 219/2013/BTC. Khoản 5 Điều 5 về việc xuất hóa đơn GTGT đối với mặt hàng là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường. + Bán cho các Công ty để chế biến nấu ăn cho công nhân viên thì thuế suất bao nhiêu? + Bán cho nhà hàng để chế biến món ăn bán lại cho khách hàng thì thuế suất bao nhiêu? Theo tôi hiểu trong Thông tư này thì bán cho doanh nghiệp là không tính thuế,còn bán cho người tiêu dùng cuối cùng là thuế suất 5%. Nhưng vẫn có nhiều luồng ý kiến trái chiều phản hồi từ khách hàng, giải thích cụ thể chi tiết hơn để DN áp dụng thông tư một cách chính xác nhất.

  Trả lời

   Tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT) quy định:

   Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

   Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác thì phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% hướng dẫn tại khoản 5 Điều 10 Thông tư này.

   Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.

   Căn cứ quy định trên và hướng dẫn tại công văn số 586/TCT-CS ngày 27/02/2014 của Tổng cục Thuế về việc tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung chính sách mới về thuế GTGT; trường hợp Công ty ông/bà nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại (không phân biệt doanh nghiệp, hợp tác xã mua về để tiếp tục sản xuất, để xuất khẩu, để bán ra hay để tiêu dùng) thì Công ty ông (bà) không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với trường hợp này.

Tình huống 3:

    Công ty tôi là chủ đầu tư có ký hợp đồng với liên doanh nhà thầu nước ngoài để xây dựng nhà máy. Việc cung cấp điện vào nhà máy để thi công do chủ đầu tư thực hiện, do vướng mắc công tác đề bù giải phóng hành lang điện dẫn đến không đưa điện vào theo kế hoạch dự kiến. Nhà thầu nước ngoài đã đề nghị chủ đầu tư đền bù thiệt hại trong thời gian ngừng thi công và đã được chủ đầu tư đồng ý. Vậy xin hỏi phần chi phí đền bù thiệt hại này bên nhà thầu xuất hóa đơn như thế nào cho đúng, chủ đầu tư có được khấu trừ thuế GTGT cho phần đền bù này không?

Trả lời:

   Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Chương I Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng, quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

   Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

   Trường hợp bồi thường bằng hàng hoá, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hoá đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hoá, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định…”

   Căn cứ các quy định trên, trường hợp nhà thầu nước ngoài khi nhận tiền đền bù thiệt hại trong thời gian ngừng thi công từ chủ đầu tư tại Việt Nam thì lập chứng từ thu tiền theo quy định, không phải lập hóa đơn, không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Đối với chủ đầu tư tại Việt Nam khi chi tiền đền bù thì lập chứng từ chi tiền theo quy định.