Ngày đăng: 01/11/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp các tình huống kế toán | Lượt xem: 5256


     

TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ 

   Giải đáp các câu hỏi tình huống thường gặp trong nghề kế toán, giúp các bạn có thể xử lý các tình huống kế toán thực tế gặp phải! Các câu hỏi thường gặp về xử lý các nghiệp vụ trong kế toán.

Tình huống 21:

1. Doanh nghiệp có khoản vay để mua 1 lô hàng nhập khẩu cho mục đích bán. Tới cuối năm doanh nghiệp vẫn chưa bán được lô hàng này trong trường hợp này chi phí lãi vay nên đưa vào TK 635 hay hoãn lại trên Bảng cân đối kế toán.

2. Doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào 1 doanh nghiệp khác, trong phương án kinh doanh của đơn vị nhận vốn góp có kế hoạch lỗ trong 3 năm đầu và bắt đầu thu hồi vốn, phân phối P từ năm thứ 3. Trường hợp này có phát sinh chênh lệch tạm thời trước thuế không ? Doanh nghiệp cho rằng họ cần phải phân bổ lãi vay theo phương án đầu tư.

Trả lời:

1. Theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 16 – Chi phí đi vay thì chi phí lãi vay để mua một lô hàng nhập khẩu cho mục đích bán được ghi nhận ngay vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ khi phát sinh. Bởi vì chi phí lãi vay này không đủ điều kiện để vốn hóa vào hàng nhập khẩu về còn tồn kho theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 16 – Chi phí đi vay.

2. Theo quy định hiện hành tại Chuẩn mực kế toán số 16 – Chi phí đi vay thì chi phí lãi vay khi vay tiền để đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp khác được ghi nhận ngay vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ khi phát sinh chứ không được hoãn lại để phân bổ dần.

Tình huống 22:

     Theo QĐ 15, khi lập Báo cáo tài chính, người lập không được thay đổi số thứ tự các chỉ tiêu. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều Báo cáo được kiểm toán đã thay đổi thứ tự các chỉ tiêu này. Làm như vậy đúng hay sai ?

Trả lời:

      Khi lập Báo cáo tài chính không tuân thủ hướng dẫn về mã số các chỉ tiêu là chưa phù hợp với quy định hiện hành của Chế độ Báo cáo tài chính trong QĐ 15/2006/QĐ-BTC. Điều này làm hạn chế cho người sử dụng trong việc so sánh các chỉ tiêu của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác hoặc tính toán phân tích tình hình tài chính trong điều kiện sử dụng công nghệ thông tin.

Tình huống 23:

       Một doanh nghiệp đầu tư mua 10 xe ô tô ngày 01/01/2011. Doanh nghiệp ứng trước tiền cho người bán bằng tiền vay ngân hàng phát sinh chi phí lãi vay. Đến 31/03/2011 doanh nghiệp mới nhận được xe ô tô và tăng nguyên giá giá tài sản. Xin hỏi: Chi phí lãi vay từ 01/01/2011 đến 31/03/2011 tính vào đâu?

Trả lời:

      Chi phí lãi vay phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/03/2011 phải tính vào chi phí sản xuất kinh doanh để xác định kết quả kinh doanh trong từng kỳ. Bởi vì các chi phí lãi vay này không thỏa mãn điều kiện để vốn hóa vào nguyên giá của 10 xe ô tô đã mua.

Tình huống 24:

       Công ty tôi thành lập và thực hiện một dự án đầu tư. Kế toán theo quyết định 214 đối với đơn vị chủ đầu tư. Nay công ty đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và phát sinh một số khoản thu nhập như : thu từ thanh lý TSCĐ, thu từ lãi tiền gửi tiết kiệm. Theo quyết định 214, tôi hạch toán các khoản thu nhập và chi phí liên quan kể trên vào TK 721 vào TK 821, cuối kỳ kết chuyển chênh lệch giữa 2 tài khoản trên qua TK 421 – Chênh lệch chờ xử lý. Liệu việc hạch toán của tôi như trên có đúng không và các tài khoản thu nhập không liên quan đến dự án có phải chịu thuế TNDN không ?

Trả lời:

      Nhất trí với đề xuất của bạn về hạch toán các khoản thu nhập, chi phí phát sinh trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư về thanh lý TSCĐ, thu lãi tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, liên quan đến hạch toán lãi tiền gửi tiết kiệm phát sinh từ các khoản tiền vốn đi vay để đầu tư XDCB, nếu chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hóa vào giá trị công trình đầu tư thì lãi tiền gửi tiết kiệm phát sinh từ các khoản tiền đi vay đó sẽ được ghi giảm chi phí đi vay để đủ điều kiện vốn hóa. Câu hỏi của bạn nêu chưa cụ thể, nên bạn cần tham chiếu quy định tại Chuẩn mực kế toán số 16 – Chi phí đi vay để thực hiện. Riêng vấn đề thuế TNDN đối với các khoản thu nhập lãi nêu trong câu hỏi, bạn cần tham chiếu các văn bản hiện hành về thuế TNDN để thực hiện.

Tình huống 25:

     Công ty chúng tôi có 1 Giấy phép kinh doanh, hoạt động 2 ngành nghề chính : Sản xuất sơn cho gỗ và sản xuất giấy in trên gỗ. Đã đi vào hoạt động sản xuất từ năm 2007 với cả 2 ngành nghề trên, tuy nhiên thực tế có 2 vấn đề như sau:

      Do công ty thuộc diện doanh nghiệp FDI, có vốn góp của 2 thành viên là người nước ngoài  (tạm gói là ông A và ông B), hoạt động với hình thức như sau: Cùng một địa bàn hoạt động sản xuất trên khu công nghiệp (cùng chung 1 lô đất) nhưng tại đây có 2 xưởng sản xuất với 2 ngành nghề khác nhau hoạt động, ông A quản lý xưởng sản xuất sơn, ông B quản lý xưởng sản xuất giấy in, thực tế 2 xưởng này hoạt động độc lập, có tài khoản riêng, thu chi riêng, có mở sổ kế toán theo dõi riêng từng xưởng, tình hình báo cáo thuế như sau:

    Thuế GTGT cuối tháng, xưởng sơn tập hợp bảng kê mua vào bán ra chuyển cho xưởng in kết hợp với số liệu kê khai thuế GTGT của mình rồi làm báo cáo thuế chung vào 1 tờ khai; Thuế TNDN cuối năm xưởng sơn in Báo cáo tài chính của mình chuyển cho kế toán xưởng in, kế toán xưởng in sẽ kết hợp với Báo cáo tài chính của xưởng in sau đó tổng hợp lại làm Báo cáo tài chính chung và quyết toán thuế năm. Xin được hỏi trong trường hợp này (chỉ có 1 giấy phép kinh doanh duy nhất) doanh nghiệp tổ chức khai báo thuế và hạch toán một số trường hợp sau đây có đúng không ?

a. Kế toán ở 2 xưởng (sơn và in) mở TK 136 và TK 336 để hạch toán nội qua lại của 2 xưởng có đúng với quy định của kế toán không ?

b. Khi xưởng sơn bán hàng cho xưởng in, không xuất hóa đơn ghi doanh thu nội bộ (mặc dù xưởng sơn sản xuất ra sơn,là sản phẩm cuối cùng của xưởng sơn, và nó dùng để bán cho khách bên ngoài là chủ yếu và cho cả xưởng in)

c. Khi xưởng sơn bán hàng cho xưởng in thì ghi sổ như sau :

Tại xưởng sơn:    Nợ TK 336/ Có TK 155

Tại xưởng in:        Nợ TK152/ Có TK 336

d. Khi xưởng in thanh toán cho xưởng sơn, thì tại xưởng in ghi :

Nợ TK 336/ Có TK 112

Trả lời:

     Về nguyên tắc doanh nghiệp FDI mà bạn nêu phải tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính theo quy định của Luật kế toán, hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam và chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh có 2 phân xưởng như bạn nêu, nhưng tổ chức sản xuất, quản lý, kế toán và thực hiện các nghĩa vụ về thuế vẫn phải là 1 doanh nghiệp (pháp nhân) thống nhất.

     Do tổ chức sản xuất của từng phân xưởng có quy trình công nghệ độc lập, sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh do đó, phải xác định một trong hai phân xưởng hoạt động với tư cách doanh nghiệp. Còn phân xưởng còn lại là hạch toán trực thuộc doanh nghiệp, được phân cấp quản lý theo mô hình tổ chức kinh doanh của công ty và tổ chức công tác kế toán riêng. Khi đó, kế toán các quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với phân xưởng trực thuộc được vận dụng các TK 136 – Phải thu nội bộ, TK 336 – Phải trả nội bộ (theo đúng hướng dẫn chế độ kế toán hiện hành). Cuối kỳ kế toán phân xưởng hạch toán trực thuộc phải lập Báo cáo tài chính (chưa đầy đủ như 1 doanh nghiệp độc lập ); sau đó doanh nghiệp phải tổng hợp hai Báo cáo tài chính của 2 phân xưởng thành Báo cáo tài chính đầy đủ của một doanh nghiệp. Bạn cần lưu ý khi lập Báo cáo tài chính đầy đủ của 1 doanh nghiệp phải loại trừ các giao dịch nội bộ (doanh thu nội bộ (nếu có), các khoản phải thu, phải trả nội bộ…) và thuyết minh chi tiết cả về đặc thù tổ chức kinh doanh và quản lý, kê khai thuế như bạn đã nêu.