Ngày đăng: 27/10/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp các tình huống kế toán | Lượt xem: 3723


khoa-hoc-ke-toan-danh-cho-giam-doc

     

TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ THƯỜNG GẶP

      Những tình huống kế toán thực tế khó, những trường hợp phát sinh đặc biệt luôn làm cho kế toán phải “đau đầu” tìm cách giải quyết. Bạn đã từng gặp những tình huống dưới này chưa? Hãy cùng đọc để tham khảo cách giải quyết.

Tình huống 1:

    Công ty chúng tôi nhập khẩu xe ô tô tải về bán cho khách hàng trong nước, trong hợp đồng bán hàng có ghi rõ điều kiện và thời gian bảo hành cho khách hàng. Vậy khi xe của khách hàng bị hỏng bên công ty chúng tôi phải mua phụ tùng xe ô tô về để bảo hành cho khách hàng thì khi xuất phụ tùng này để bảo hành và các chi phí bảo hành khác công ty chúng tôi phải xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng không ? Nếu viết hóa đơn GTGT thì phần thuế suất thuế GTGT chúng tôi phải ghi như thế nào ?

Trả lời:

      Nghiệp vụ kinh tế liên quan đến bảo hành sản phẩm, hàng hóa đã bán cho khách hàng trước hết phải căn cứ vào Hợp đồng kinh tế đã ký kết giữa người bán và người mua. Nếu người bán có trách nhiệm bảo hành trong khoảng thời gian nhất định và phải chịu trách nhiệm sửa chữa, thay thế các phụ tùng bị hỏng thì người bán phải trích lập dự phòng tạo nguồn bù đắp cho các chi phí bảo hành. Trong phần hướng dẫn hạch toán tài khoản 352 – Dự phòng phải trả đã có hướng dẫn trả lời như sau :

 “3.Trường hợp doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng có kèm theo giấy bảo hành sửa chữa cho các khoản hỏng hóc do lỗi sản xuất được phát hiện trong thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp phải xác định cho từng mức chi phí sửa chữa cho toàn bộ nghĩa vụ bảo hành.

     Khi xác định số dự phòng phải trả cần lập về chi phí sửa chữa, bảo hành sản phẩm đã bán, ghi:

          Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng

                Có TK 352 – Dự phòng phải trả

    Khi xác định số dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây lắp, ghi:

          Nợ TK 627 – Chi phí sản xuất chung

                Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

4. Khi xác định số dự phòng phải trả khác cần lập tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:

          Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)

                Có TK 352 – Dự phòng phải trả.

5. Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã lập ban đầu:

5.1.Khi phát sinh các khoản chi phí bằng tiền, ghi:

          Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

                 Có các TK 111, 112, 331…

5.2. Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, công trình xây lắp đã lập ban đầu, như chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng thay thế, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài…:

a. Trường hợp không có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp:

–  Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, ghi :

          Nợ các TK 621, 622,627,…

          Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

                Có các TK 111,112,152,153,214,331,334,338,…

– Cuối kỳ, kết chuyển chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa,công trình xây lắp thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:

          Nợ TK 154 – Chi phí SXKD dở dang

                Có các TK 621, 622, 627…

     – Khi sửa chữa bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp hoàn thàn bàn giao cho khách hàng, ghi:

Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Phần dự phòng phải trả về bảo hành    sản phẩm,hàng hóa còn thiếu ).

       Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang.

b. Trường hợp có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp, số tiền phải trả cho bộ phận bảo hành về chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi :

          Nợ TK 352 – Dự phòng phải trả

        Nợ TK 641 – Chi phí bán hàng (Chênh lệch nhỏ hơn giữa dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hóa so với chi phí thực tế về bảo hành).

       Có TK 336 – Phải trả nội bộ.

– Có thể trường hợp đã hết hạn bảo hành hoặc các thiết bị thay thế vào xe ô tô tải phát sinh ngoài các điều khoản ghi trong hợp đồng thì khi xuất phụ tùng thay thế để sửa chữa xe cho khách hàng thì phải lập hóa đơn GTGT (như trường hợp bán phụ tùng) và phải kê khai thuế GTGT,hạch toán doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ các trường hợp bán hàng bình thường.

Tình huống 2:

     Hợp đồng ghi : “Nếu bên B cung cấp hàng chậm so với tiến độ hợp đồng thì sẽ chịu mức phạt 0,1% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày chậm”. Như vậy, giá trị dùng để nhân với tỷ lệ phạt (0,1%) là giá trị hợp đồng trước thuế hay sau thuế ?

Trả lời:

     Do hợp đồng không nêu cụ thể mức phạt 0,1% giá trị hợp đồng cho mỗi ngày cung cấp hàng chậm là giá trị hợp đồng trước thuế hay sau thuế GTGT thì trước hết hai Bên nên cùng bàn bạc để thống nhất xử lý. Trường hợp hai Bên không thống nhất được thì mời chuyên gia pháp lý cho ý kiến tư vấn. Tuy nhiên, hướng giải quyết nên được xem xét trên cơ sở hài hòa lợi ích và tạo cơ sở kinh doanh lâu dài.

Tình huống 3:

    Công ty chúng tôi hiện nay đang niêm yết trên sàn giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh. Công ty chúng tôi có 1 Xí nghiệp (XN) là chi nhánh hạch toán phụ thuộc có lập Báo cáo tài chính. XN chỉ kê khai thuế GTGT cho Cục thuế địa phương. Hàng quý XN này gửi số liệu báo cáo tài chính về Công ty. Công ty lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữ Báo cáo tài chính riêng của Công ty và XN. Công ty kê khai và quyết toán thuế TNDN theo số liệu tổng hợp. Công ty gửi Báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị liên quan 1 Báo cáo tài chính tổng hợp. Nhưng theo TT 52/2012/TT-BTC ngày 05/04/2012 của BTC, sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh yêu cầu Công ty phải gửi 2 Báo cáo tài chính là Báo cáo tài chính đơn vị cấp trên (riêng Công ty ) và Báo cáo tài chính tổng hợp. Tôi xin được hỏi như vậy có đúng không ?

Trả lời:

     Căn cứ quy định tại Điểm 1.2, Điều 7, Mục 1, Chương II, Thông tư số 52/2012/TT-BTC ngày 05/04/2012 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán thì Doanh nghiệp bạn phải công bố thông tin về Báo cáo tài chính của Công ty và Báo cáo tài chính tổng hợp của Công ty (sau khi đã tổng hợp Báo cáo tài chính của XN trực thuộc và Báo cáo của Công ty) . Bởi vì XN trực thuộc hạch toán phụ thuộc có lập Báo cáo tài chính riêng được xem là một đơn vị kế toán trực thuộc theo quy định của Luật kế toán.

Tình huống 4:

    Công ty tôi có ngành nghề chính là phát triển và cho thuê khu công nghiệp. Năm 2011, chúng tôi vừa ký được 1 hợp đồng cho thuê kéo dài 50 năm. Khách hàng đã trả 100% tiền. Công ty đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Vậy xin hỏi chúng tôi có thể hạch toán doanh thu 1 lần hay phải phân bổ theo thời gian thuê ?

Trả lời:

    Về kế toán, công ty bạn phải hạch toán doanh thu từng năm theo phương pháp phân bổ tổng số tiền nhận trước cho 50 năm.

Về thuế : Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền 1 lần (theo quy định tại điểm 2e, điều 5, chương II, thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 hướng dẫn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008; Theo quy định tại điểm 2.18, điều 6, chương II, Thông tư số 123/2012/TT-BTC nêu trên).

Trường hợp công ty bạn xác định thu nhập chịu thuế theo doanh thu trả tiền một lần thì sẽ được trích trước chi phí.

Đồng thời trong trường hợp này, do sự khác biệt về thời điểm ghi nhận doanh thu kế toán và thu nhập chịu thuế TNDN, công ty bạn cần phải ghi nhận thuế TNDN hoãn lại.

Tình huống 5:

     Công ty tôi có xây dựng 1 tòa nhà cho thuê và sử dụng. Nhưng tòa nhà chưa xong toàn bộ. Mà một số diện tích đã xong nên công ty tôi cho thuê và sử dụng. Công ty tôi có doanh thu về tiền cho thuê nhà. Vậy xin hỏi tôi hạch toán doanh thu và giá vốn của việc cho thuê nhà như thế nào ?

Trả lời:

     Trước hết công ty bạn cần ước tính giá trị của số diện tích đã xây dựng xong đưa vào sử dụng ( cho thuê và sử dụng cho công ty) để xác địng nguyên giá tạm tính ghi tăng TSCĐ hữu hình. Sau này, khi xây dựng xong tòa nhà sẽ điều chỉnh lại theo nguyên giá thực tế quyết toán. Phần diện tích cho thuê và sử dụng được xác định chi phí theo chi phí khấu hao TSCĐ trên cơ sở nguyên giá TSCĐ tạm tính cộng với các chi phí khác phát sinh có liên quan trực tiếp đến việc cho thuê và sử dụng.

Tình huống 6:

     Công ty tôi có chi nhánh hạch toán độc lập, đầu năm có chuyển sang hạch toán phụ thuộc. Tôi không rõ số liệu của chi nhánh trước khi chuyển sang hạch toán phụ thuộc sẽ xử lý như thế nào ?

Trả lời:

          Căn cứ vào mức độ phân cấp hạch toán phụ thuộc để xử lý:

  • Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc vẫn được phân cấp quản lý, có tổ chức công tác kế toán riêng và có lập Báo cáo tài chính thì công tác kế toán vẫn được thực hiện như trước đó. Tuy nhiên, về thuế TNDN sẽ nộp hồ sơ trên cơ sở tổng hợp toàn công ty, còn thuế GTGT chi nhánh phải kê khai theo quy định hiện hành.
  •  Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc được phân cấp quản lý ở mức độ thấp hơn, không tổ chức công tác kế toán hoàn chỉnh và không lập Báo cáo tài chính thì công ty bạn phải soạn thảo quy chế phân cấp quản lý và hạch toán để chi nhánh thực hiện ghi chép kế toán, tập hợp các chứng từ phát sinh, kê khai thuế GTGT (nếu có) theo quy định của Luật Thuế GTGT và định kỳ chuyển về cho công ty. Trong trường hợp này toàn bộ tài sản và nguồn vốn, nợ phải trả tại chi nhánh được hợp cộng vào Bảng cân đối kế toán của công ty tại ngày chính thức chi nhánh không còn được hạch toán độc lập. Trong quá trình hợp cộng này kế toán cần phải loại trừ toàn bộ các giao dịch cấp vốn nội bộ, các khoản phải thu, phải trả nội bộ, các khoản doanh thu, chi phí, lãi (lỗ) nội bộ…

Tình huống 7:

    Công ty A có một công ty liên kết và không có công ty con.Vì không có công ty con nên công ty A không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất, mà chỉ lập Báo cáo tài chính riêng. Như vậy thì khoản đầu tư vào công ty liên kết được trình bày theo phương pháp nào ? Giá gốc hay vốn chủ sở hữu?

Trả lời:

     Công ty A không phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất mà chỉ lập báo cáo tài chính theo quy định hiện hành cho một doanh nghiệp (trường hợp này không gọi là Báo cáo tài chính riêng). Khoản đầu tư của công ty A vào công ty liên kết được phản ánh theo giá gốc của khoàn đầu tư trên Báo cáo tài chính của công ty A.

Tình huống 8:

      1. Theo nghị định về hướng dẫn hạch toán kế toán cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước đây thì khi doanh nghiệp nước ngoài mua lại phần góp vốn của bên Việt Nam theo giá trị cao hơn giá trị góp vốn ban đầu thì phần chênh lệch xem như là lợi thế thương mại và hạch toán trên TK 242. Nay khi nghị định này không còn hiệu lực thì việc ghi nhận khoản chênh lệch này trên TK 242 và xem như lợi thế thương mại là vẫn được chấp nhận? Như vậy trên Báo cáo riêng vẫn có thể có chỉ tiêu lợi thế thương mại ?

     2. Quỹ dự trữ vốn điều lệ ở CTCP hạch toán vào tài khoản nào?

Trả lời:

    1.- Khi Bên nước ngoài mua lại phần vốn góp của Bên Việt Nam trong công ty liên doanh thì Bên Việt Nam (bên bán) ghi nhận phần chênh lệch cao hơn số vốn đã góp vào doanh thu hoạt động tài chính (chênh lệch lãi do thanh lý khoản đầu tư).

      – Khi doanh nghiệp nước ngoài mua lại phần vốn góp của Bên Việt Nam trong công ty liên doanh với giá cao hơn giá trị góp vốn ban đầu thì doanh nghiệp nước ngoài (Bên ngoài) ghi nhận phần chênh lệch cao hơn vào TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn. Khoản chênh lệch này phải được treo lại trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp nước ngoài cho đến khi thanh lý (hết thời hạn hoạt động tại Việt Nam).

    2. Quỹ dự trữ vốn điều lệ – tại công ty cổ phần được hạch toán vào tài khoàn 418 – các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Tình huống 9:

     Công ty tôi hiện tại đang là công ty thương mại kinh doanh máy móc ,thiết bị và có kèm theo các dịch vụ đi kèm (phí bảo trì,bảo hành…) Công ty chúng tôi có công ty mẹ ở nước ngoài, trong hện thống tập đoàn khi bán máy móc thiết bị cho khách hàng ngoài việc xuất hóa đơn cho phần máy móc, phải xuất hóa đơn cho cả phần dịch vụ. Ví dụ : Công ty bán máy móc cho 1 công ty A, ngoài việc xuất hóa đơn cho phần máy đã bán, công ty xuất cả hóa đơn dịch vụ bảo hành, bảo trì cho thời gian 3 năm (với tổng tiền dịch vụ là 150 triệu). Vậy trong trường hợp này công ty tôi ghi nhận bút toán :

1. Nợ TK 131: 165 triệu

           Có TK 3387: 150 triệu

           Có TK 33311: 15 triệu

2. Hàng năm sẽ thực hiện phân bổ :

          Nợ TK 3387 : 50 triệu

                Có TK 511 : 50 triệu

     Vậy việc hạch toán của công ty chúng tôi như vậy có đúng không ? (Phần dịch vụ tại thời điểm xuất hóa đơn chưa được thực hiện). Nếu không thì chúng tôi sẽ phải hạch toán như thế nào ?

Trả lời:

      Bút toán ghi nhận giao dịch cung cấp dịch vụ bảo hành bảo trì máy móc thiết bị đã bán cho khách hàng như bạn đã nếu trên là đúng. Tuy nhiên, bạn lưu ý nếu thời điểm bán máy móc thiết bị không phải là ngày đầu năm thì năm đầu tiên thực hiện bút toán kết chuyển doanh thu nhận trước sang doanh thu trong kỳ phải tính theo số tháng của năm đầu tiên tính từ ngày phát sinh giao dịch đến ngày kết thúc kỳ kế toán năm đó.

Tình huống 10:

      Công ty chúng tôi là công ty TNHH Một thành viên do cá nhân là chủ sở hữu, Chủ tịch công ty đồng thời là Giám đốc công ty, trực tiếp điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Vậy xin hỏi tiền lương của Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty có được tính vào chi phí kinh doanh và được khấu trừ khi tính thuế TNDN hay không ?

Trả lời:

      Tiền lương của Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty tại công ty TNHH Một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu được tính vào chi phí kinh doanh và được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tuy nhiên, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.