Ngày đăng: 22/08/2014 | Chuyên mục: Hỏi đáp hóa đơn chứng từ | Lượt xem: 2151


     

Câu hỏi​ 1: Trường hợp các hóa đơn đã lập, giao cho khách hàng và đã khai thuế nhưng sau đó phát hiện ghi sai tên đơn vị, địa chỉ, mã số thuế. 

1. Công ty lập hoá đơn điều chỉnh như thế nào? Cách kê khai hóa đơn điều chỉnh lên bảng kê ra sao?

2. Đối với các hóa đơn ghi sai đã kê khai thì bên bán và bên mua có phải điều chỉnh báo cáo thuế, báo cáo hóa đơn không? Các quy định phạt và việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào của người mua thế nào? 

Trả lời​:

1. Theo khoản 3 Điều 18 Thông tư 64/2013/TT-BTC ngày 15/05/2013 hướng dẫn xử lý thu hồi hóa đơn đã lập như bạn trích dẫn và công văn 7275/CT-TTHT ngày 24/9/2013 của Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh có hướng dẫn: 

   “ Trường hợp đã lập hóa đơn và giao cho khách hàng ghi sai chỉ tiêu tên đơn vị, địa chỉ, mã số thuế thì hai bên mua bán lập biên bản thu hồi hóa đơn sai và lập lại hóa đơn mới, trên hóa đơn mới (ghi ngày, tháng lập lại hóa đơn) phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định và ghi rõ thay thế hóa đơn ký hiệu, số … ngày … tháng … năm. Tại kỳ kê khai lập lại hóa đơn mới trên Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra mẫu số 01-1/GTGT Chi nhánh ghi âm hóa đơn cũ, ghi dương hóa đơn mới doanh thu chưa thuế và tiền thuế GTGT ”.

2. Căn cứ khoản 3, Điều 18. Xử lý đối với hoá đơn đã lập, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. 

    Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh ghi đầy đủ các tiêu thức theo quy định như tên DN, địa chỉ, MST, số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Do HĐ cũ viết sai nhưng không ảnh hưởng doanh số, thuế suất và tiền thuế GTGT nên hoá đơn điều chỉnh không cần thiết được người bán và người mua kê khai điều chỉnh trên tờ khai, hai bên không cần phải điều chỉnh báo cáo thuế và chỉ chỉnh sửa báo cáo hóa đơn.

    Việc khấu trừ Hóa đơn đầu vào của người mua diễn ra bình thường theo quy định liên quan (thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ nếu thỏa mãn các điều kiện của quy định pháp luật) 

Câu 2: Công ty tôi kinh doanh siêu thị, có ký hợp đồng với Công ty A, phát hành các phiếu mua hàng làm quà tặng cho nhân viên của Công ty A.
 
Công ty A đã thanh toán chuyển khoản.   

1. Công ty tôi có phải xuất hóa đơn GTGT cho Công ty A không? Hay chỉ sử dụng chứng từ thanh toán?

2. Khi nhân viên của Công ty A mua hàng, sử dụng Phiếu mua hàng đã phát hành để thanh toán, Công ty tôi bán hàng xuất hóa đơn thì tên khách hàng ghi trên hóa đơn là tên cá nhân mua hàng hay tên Công ty A?

Trả lời

1. Theo nguyên tắc hiện hành: điểm b, khoản 1, điều 14, Thông Tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15  tháng 5 năm 2013 thì việc mua bán hàng hóa phải xuất hóa đơn GTGT). 

2. Tuy nhiên, vào thời điểm bên Siêu thị giao phiếu mua hàng cho Doanh nghiệp A và Doanh nghiệp A đã chuyển khoản giá trị của các Phiếu mua hàng này thì về bản chất, Doanh Nghiệp A đã thanh toán tiền hàng (sẽ mua tại Siêu thị) cho Siêu thị nhưng hàng hóa thì chưa được bán và giao (do nhân viên công ty A có thể chưa đi mua hàng ngay và Siêu thị cũng chưa biết sẽ bán sản phẩm gì cho nhân viên Doanh Nghiệp A) nên Siêu thị không thể xuất hóa đơn cho Doanh Nghiệp A.

3. Khi nhân viên công ty A cầm phiếu đi mua hàng, mang hàng đã chọn ra quầy thanh toán (đương nhiên không thanh toán cho Siêu thị nữa mà chỉ trình thẻ mua hàng), thì lúc bấy giờ Siêu thị mới thực sự bán hàng. Quầy tính tiền sẽ in hóa đơn từ máy ra – là hóa đơn đặc thù theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 4. Nội dung trên hóa đơn đã lập, TT 64/2013/TT-BTC nêu trên, các hóa đơn này không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.

4. Tuy nhiên, cuối ngày siêu thị sẽ lập chung một (01) hóa đơn GTGT cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong ngày (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng). Chỉ tiêu người mua trên hoá đơn ghi rõ là khách hàng mua lẻ không lấy hoá đơn.

   Nhưng nếu nhân viên Doanh nghiệp A mua hàng (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) có yêu cầu xuất hóa đơn thì siêu thị phải lập hóa đơn GTGT cho từng khách hàng theo quy định (Theo đoạn 9, khoản 2, Điều 14, TT 64/2013/TT-BTC nêu trên). Nếu người mua yêu cầu hóa đơn thì hóa đơn Siêu thị ghi tên người mua, không phải là Doanh nghiệp A trừ khi Doanh nghiệp A sử dụng chính các phiếu này để mua hàng.
 
   Về phía Doanh nghiệp A, thì khoản tiền chi ra để lấy các phiếu mua hàng có được hạch toán chi phí được trừ hay không tùy thuộc vào tình huống cụ thể (có đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1, Điều 9, TT 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 hay không).
 
Câu 3: Công Ty chúng tôi xin hỏi về vấn đề chỉnh sửa báo cáo hóa đơn như sau: 

   Theo quy định tại khoản 1, điều 40 của nghị định số 109/2013/NĐ-CP, ngày 24/09/2013 quy định : “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, theo quy định

   Như vậy việc chỉnh sửa báo cáo hóa đơn trong trường hợp này có bị phạt hay không ?

Trả lời:

   Căn cứ Điều 13, khoản 1, khoản 2, Thông tư 10/2014/TT-BTC , hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì:

  1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, theo quy định.

    Ngoài bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân phải lập và gửi lại cơ quan thuế các thông báo, báo cáo đúng quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trong thời hạn quy định nộp thông báo, báo cáo thì không bị xử phạt.

  2. Đối với hành vi vi phạm về nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn:

   a) Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn từ ngày thứ 1 đến hết ngày thứ 5 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

   b) Trường hợp nộp thông báo, báo cáo gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn, từ ngày thứ 6 đến hết ngày thứ 10 kể từ ngày hết thời hạn theo quy định và có tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.

   c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, trừ thông báo phát hành hóa đơn, chậm sau 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.

   Căn cứ Điều 25, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15  tháng  5  năm 2013, thì Hàng quý, tổ chức, hộ, cá nhân bán hàng hoá, dịch vụ (trừ đối tượng được cơ quan thuế cấp hóa đơn) có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn Quý I nộp chậm nhất là ngày 30/4; quý II nộp chậm nhất là ngày  30/7, quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10 và quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau (mẫu số 3.9 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

   Căn cứ các quy định nêu trên, nếu d/ng phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trong thời hạn quy định nộp thông báo, báo cáo (cụ thể tại Điều 25, TT 64/2013/TT-BTC nêu trên) thì không bị phạt tiền.

   Trường hợp DN phát hiện sai sót khi đã quá thời hạn nộp báo cáo và nộp lại báo cáo chậm quá hạn định thì tùy thời gian nộp chậm sẽ bị xử lý theo các điểm a, b và c, khoản 2, Điều 13, Thông tư 10/2014/TT-BTC nêu trên.