Ngày đăng: 01/06/2015 | Chuyên mục: Văn bản mới nhất | Lượt xem: 1699


Thuộc tính văn bản

Số hiệu
28/2015/NĐ-CP
Nơi ban hành
Chính Phủ
Ngày ban hành
12/03/2015
Phân loại
Nghị định
Người ký
Nguyễn Tấn Dũng
Ngày hiệu lực
01/05/2015

Tóm tắt văn bản

Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm số 38/2013/QH13 về bảo hiểm thất nghiệp
Nghị định này quy định chi tiết một số vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), gồm: hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Quỹ BHTN; tổ chức thực hiện BHTN; ...
Theo đó, các hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên nếu ký kết kể từ ngày 1/1/2015 đều bắt buộc tham gia BHTN, thay vì trước đây được miễn. Riêng các hợp đồng lao động giao kết trước thời điểm 1/1/2015, chỉ bắt buộc tham gia nếu thời hạn hợp đồng còn từ 3 tháng trở lên. Trường hợp còn dưới 3 tháng được miễn tham gia BHTN (khoản 2 Điều 11)
Về phía doanh nghiệp, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động:
- Đóng đủ BHTN cho người lao động liên tục từ đủ 12 tháng trở lên
- Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ SXKD, có nguy cơ cắt giảm tối thiểu 30% lao động
- Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động
- Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
-Mức hỗ trợ tối đa 01 triệu đồng/người/tháng, nhưng không quá 06 tháng (Điều 4)
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2015. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01/01/2015. Thay thế Nghị định số127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 và Nghị định số 100/2012/NĐ-CP ngày 21/11/2012.

     

TẢI FILE ĐÍNH KÈM!

CHÍNH PHỦ
Số: 28/2015/NĐ-CP
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
                    Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2015                          
 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm

về bảo hiểm thất nghiệp

____________

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; quyền và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm.

2. Người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã hưởng tiền lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Tổ chức bảo hiểm xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập được giao các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm (sau đây viết tắt là trung tâm dịch vụ việc làm).

4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

Chương II

HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ NĂNG NGHỀ

ĐỂ DUY TRÌ VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 3. Điều kiện được hỗ trợ

Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 47 Luật Việc làm khi có đủ các điều kiện sau:

1. Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến tháng liền trước của tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động hoặc đến tháng của ngày đề nghị hỗ trợ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động nếu người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng đó.

2. Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh và dẫn đến nguy cơ phải cắt giảm số lao động hiện có từ 30% hoặc từ 50 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng từ 300 lao động trở xuống và từ 100 lao động trở lên đối với người sử dụng lao động có sử dụng trên 300 lao động, không kể lao động giao kết hợp đồng lao động với thời hạn dưới 03 tháng.

Những trường hợp được coi là bất khả kháng nêu trên, bao gồm: Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, nhà xưởng có xác nhận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi người sử dụng lao động bị thiệt hại.

3. Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động được xác định thông qua báo cáo sản xuất, kinh doanh của năm trước thời điểm đề nghị hỗ trợ mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế.

4. Có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Mức hỗ trợ

1. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 06 tháng.

Trường hợp khóa học nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

2. Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

 

 

AcustomEssay