Ngày đăng: 04/09/2014 | Chuyên mục: Tài liệu kế toán | Lượt xem: 1848


     

CÁCH HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN 156 –  HÀNG HOÁ

  Tài khoản 156 – Hàng hoá dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại hàng hoá của doanh nghiệp bao gồm hàng hoá tại các kho hàng, quầy hàng, hàng hoá bất động sản.

 

>> Hướng dẫn hạch toán tài khoản 155 – Thành phẩm

>> Hướng dẫn hạch toán tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán

   Hàng hoá là các loại vật tư, sản phẩm do doanh nghiệp mua về với mục đích để bán (Bán buôn và bán lẻ). Giá gốc hàng hoá mua vào, bao gồm: Giá mua theo hoá đơn và chi phí thu mua hàng hoá.

  Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hoá về để bán lại nhưng vì lý do nào đó cần phải gia công, sơ chế, tân trang, phân loại chọn lọc để làm tăng thêm giá trị hoặc khả năng bán của hàng hoá thì trị giá hàng mua gồm giá mua theo hoá đơn cộng (+) chi phí gia công, sơ chế. Đối với hàng hoá của đơn vị nhập khẩu, ngoài các chi phí trên còn bao gồm cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu (nếu có), thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu không được khấu trừ), chi phí bảo hiểm,. .

 Trường hợp hàng hoá mua về vừa dùng để bán, vừa dùng để sản xuất, kinh doanh không phân biệt rõ ràng giữa hai mục đích bán lại hay để sử dụng thì vẫn phản ánh vào Tài khoản 156 “Hàng hoá”.

Những trường hợp sau đây không phản ánh vào Tài khoản 156 “Hàng hoá”:

1. Hàng hoá nhận bán hộ, nhận giữ hộ cho các doanh nghiệp khác (Ghi vào Tài khoản 002 “Vật tư, hàng hoá nhận giữ hộ, nhận gia công”, hoặc Tài khoản 003 “Hàng hoá nhận bán hộ, nhận ký gửi” (Tài khoản ngoài Bảng Cân đôi kế toán).

2. Hàng hoá mua về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ghi vào các Tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu” hoặc Tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ”,. . .).

I – Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 156 – Hàng hoá

Bên Nợ:

– Trị giá mua vào của hàng hoá theo hoá đơn mua hàng (Bao gồm các loại thuế không được hoàn lại);

– Chi phí thu mua hàng hoá;

– Trị giá của hàng hoá thuê ngoài gia công (Gồm giá mua vào và chi phí gia công);

– Trị giá hàng hoá đã bán bị người mua trả lại;

– Trị giá hàng hoá phát hiện thừa khi kiểm kê;

– Kết chuyển trị giá hàng hoá tồn kho cuối kỳ (Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ);

– Trị giá hàng hoá bất động sản mua vào hoặc chuyển từ bất động sản đầu tư.

Bên Có:

– Trị giá của hàng hoá xuất kho để bán, giao đại lý, giao cho đơn vị phụ thuộc; thuê ngoài gia công, hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh;

– Chi phí thu mua phân bổ cho hàng hoá đã bán trong kỳ;

– Chiết khấu thương mại hàng mua được hưởng;

– Các khoản giảm giá hàng mua được hưởng;

– Trị giá hàng hoá trả lại cho người bán;

– Trị giá hàng hoá phát hiện thiếu khi kiểm kê;

– Kết chuyển trị giá hàng hoá tồn kho đầu kỳ (Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ);

– Trị giá hàng hoá bất động sản đã bán hoặc chuyển thành bất động sản đầu tư, bất động sản chủ sở hữu sử dụng hoặc tài sản cố định.

Số dư bên Nợ:

– Trị giá mua vào của hàng hoá tồn kho;

– Chi phí thu mua của hàng hoá tồn kho.

II – Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu 

A. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.

1. Hàng hoá mua ngoài nhập kho doanh nghiệp, căn cứ hoá đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan:

1.1 Đối với hàng hoá mua vào dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ:

– Nếu mua hàng trong nước, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá(Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (Thuế GTGT đầu vào)

Có các TK 111, 112, 141, 331,. . . (Tổng giá thanh toán).

– Nếu mua hàng trực tiếp nhập khẩu, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Giá mua cộng (+) Thuế nhập khẩu)

Có các TK 111, 112, 331,. . .

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (Chi tiết thuế nhập khẩu).

Đồng thời phản ánh thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp Ngân sách Nhà nước, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312 – Thuế GTGT hàng nhập khẩu).

– Trường hợp hàng mua nhập khẩu phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 156 – Hàng hoá (Giá mua cộng (+) Thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu)

Có các TK 111, 112, 331,. . .

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt.

– Nếu mua hàng uỷ thác nhập khẩu xem quy định ở Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán.

1.2. Đối với hàng hoá mua vào dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, hoặc dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT:

– Nếu mua hàng trong nước, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Tổng giá thanh toán)

Có TK 111, 112, 141, 331,. . . (Tổng giá thanh toán).

– Nếu mua hàng nhập khẩu, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Giá mua cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế GTGT hàng nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu (nếu có))

Có TK 111, 112, 331,. . .

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (Chi tiết thuế nhập khẩu)

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

2. Trường hợp đã nhận được hoá đơn của người bán nhưng đến cuối kỳ kế toán, hàng hoá chưa về nhập kho thì căn cứ vào hoá đơn, ghi:

Nợ TK 151 – Hàng mua đang đi đường

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331,. . .

– Sang kỳ kế toán sau, khi hàng hoá mua ngoài đang đi đường về nhập kho, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá 

Có TK 151 – Hàng mua đang đi đường.

3. Chiết khấu thương mại hàng mua được hưởng, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 331,. . .

Có TK 156 – Hàng hoá 

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

4. Giá trị của hàng hoá mua ngoài không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng kinh tế phải trả lại cho người bán, hoặc số tiền được giảm giá, ghi:Nợ các TK 111, 112,. . .

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 156 – Hàng hoá 

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).

5. Phản ánh chi phí thu mua hàng hoá dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá 

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 141, 331,. . .

6. Hàng hoá bất động sản mua về để bán, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá  (Giá mua chưa có thuế GTGT) – chi tiết hàng hoá bất động sản

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

Có các TK 111, 112, 331,. . .

7. Các trường hợp liên quan trực tiếp đến việc mua hàng hoá bất động sản, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Chi tiết Hàng hoá bất động sản)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332)

Có các TK 111, 112, 331,. . .

8. Trường hợp bất động sản đầu tư chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp để bán:

– Khi có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bất động sản đầu tư để bán, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Chi tiết Hàng hoá bất động sản – Giá trị còn lại của BĐS đầu tư)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147) (Số hao mòn luỹ kế)

Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (Nguyên giá).

– Khi phát sinh các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục địch bán, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 152, 334, 331,. . .

– Khi kết thúc giai đoạn sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, kết chuyển toàn bộ chi phí ghi tăng giá trị hàng hoá bất động sản, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá (Chi tiết BDS đầu tư)

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang.

9. Trị giá hàng hoá xuất bán được xác định là tiêu thụ, căn cứ Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 156 – Hàng hoá.

Đồng thời kế toán phản ánh doanh thu bán hàng:

– Nếu doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và hàng hoá xuất bán thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,. . . (Tổng giá thanh toán)

Có các TK 511(Giá bán chưa có thuế GTGT)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311).

– Nếu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp và hàng hoá không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131,. . . (Tổng giá thanh toán)

Có các TK 511 (Tổng giá thanh toán).

10. Trường hợp thuê ngoài gia công, chế biến hàng hoá:

a/ Khi xuất kho hàng hoá đưa đi gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang

Có TK 156 – Hàng hoá.

b/ Chi phí gia công, chế biến hàng hoá, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331,. . .

c/ Khi gia công xong nhập lại kho hàng hoá, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hoá 

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dỡ dang.

11. Khi xuất kho hàng hoá gửi cho khách hàng hoặc xuất kho cho các đại lý, đơn vị nhận hàng ký gửi,. . ., ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 156 – Hàng hoá

12. Khi xuất kho hàng hoá cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc để bán:

– Nếu sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 156 – Hàng hoá.

– Nếu sử dụng Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng, khi xuất kho hàng hoá, căn cứ vào hoá đơn, kế toán xác định giá vốn của hàng xuất bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 156 – Hàng hoá.

13. Đối với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT khi xuất để sử dụng nội bộ:

a/ Nếu hàng hoá xuất kho để sử dụng nội bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo giá vốn hàng xuất kho, ghi:

Nợ các TK 623, 627, 641, 642,. . . (Giá vốn hàng xuất kho)

Có TK 512 – Doanh thu nội bộ (Giá vốn hàng xuất kho).

Đồng thời phản ánh giá vốn hàng xuất kho, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 156 – Hàng hoá (1561).

b/ Nếu xuất kho hàng hoá để sử dụng nội bộ, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng nội bộ theo giá vốn hàng xuất kho.

Thuế GTGT đầu ra phải nộp không được khấu trừ phải tính vào chi phí, ghi:

Nợ các TK 154, 642,. . . (Giá vốn hàng xuất kho cộng (+) Thuế GTGT đầu ra)

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33311)

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chi tiết Doanh thu bán hàng nội bộ (Giá vốn hàng xuất kho).

Đồng thời phản ánh giá vốn hàng xuất kho, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 156 – Hàng hoá

B. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

1. Đầu kỳ, kế toán căn cứ giá trị hàng hoá đã kết chuyển cuối kỳ trước kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho đầu kỳ, ghi:

Nợ TK 611 – Mua hàng

Có TK 156 – Hàng hóa.

2. Cuối kỳ kế toán:

a/ Tiến hành kiểm kê xác định số lượng và giá trị hàng hóa tồn kho cuối kỳ. Căn cứ vào tổng giá trị hàng hóa tồn kho cuối kỳ, ghi:

Nợ TK 156 – Hàng hóa

Có TK 611 – Mua hàng.

b/ Căn cứ vào kết quả xác định tổng trị giá hàng hoá đã xuất bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 611 – Mua hàng.